Ngày 30-5, Sở Y tế tổ chức hội nghị chuyển đổi số ngành Y tế Hà Nội năm 2024. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý bệnh viện….
Lãnh đạo UBND thành phố, Sở Y tế tham quan gian trưng bày các sản phẩm phục vụ chuyển đổi số ngành Y tế. Ảnh: Thùy Linh
Cụ thể, đến nay đã khởi tạo được hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 9 triệu người dân. Ngoài ra, ngành Y tế thành phố cũng đã kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế, đồng bộ gần 3,3 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Bên cạnh đó, hiện đã có 38/43 bệnh viện (đạt tỷ lệ 88%) triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó có một số đơn vị triển khai hiệu quả như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức và Bệnh viện Đa khoa Vân Đình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngành Y tế Thủ đô cũng đối mặt với một số khó khăn, tồn tại. Đó là việc phát triển không đồng bộ, chưa có chiến lược dài hạn; dữ liệu còn phân tán, chưa tập trung, không chia sẻ, kết nối được với các cơ sở khám chữa bệnh.
Đặc biệt, việc triển khai bệnh án điện tử còn chậm, mới đạt tỷ lệ 12%. Cụ thể, Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng hiện chỉ có 5 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai.
Từ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử, Tiến sĩ Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho rằng, bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ lúc tiếp nhận đến khi ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh.
Tuy nhiên, để triển khai được bệnh án điện tử, đòi hỏi quá trình chuẩn bị thật kỹ lưỡng và bảo đảm nguồn tài chính đáp ứng đầy đủ từ việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, mua sắm phần mềm và trang thiết bị, đào tạo nhân viên…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, chuyển đổi số là quá trình liên tục không có điểm dừng. Trước hết, bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên và quyết tâm thực hiện thì việc chuyển đổi số mới tạo hiệu quả cao.
Xác định nhiệm vụ chuyển đổi số còn nặng nề, đồng chí Hà Minh Hải đề nghị ngành Y tế Thủ đô tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, đồng chí Hà Minh Hải cũng đề nghị, ngành Y tế cần tập trung nghiên cứu 3 vấn đề, gồm: Quy hoạch ngành và chiến lược của ngành trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng quy chế và quy trình, đặc biệt là quy trình phối hợp liên thông trong ứng hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện một cách quy chuẩn, bài bản việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Từ đó, tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.
“Chuyển đổi số phải song hành với chuyển đổi xanh, hỗ trợ và thúc đẩy cùng phát triển. Đơn cử như số hóa phim chụp góp phần lớn trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Đây chính là chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất và khoa học nhất”, đồng chí Hà Minh Hải lưu ý.
Theo Hanoimoi