Các doanh nghiệp đã đưa công nghệ ứng dụng vào hoạt động quản lý nhân sự, đổi mới phương thức kinh doanh, marketing, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, chăm sóc khách hàng… trên môi trường số. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý cũng như hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên chuyển đổi số mang lại hiệu quả rõ rệt song cũng là một chặng đường lâu dài, bền vững, đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức và tìm được một mô hình chuyển đổi số phù hợp với phương thức kinh doanh của doanh nghiệp do mình quản lý.
Đại diện Công ty cổ phần công nghệ DES GROUP tư vấn, hướng dẫn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.
Thành lập từ năm 2018, đến nay Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đã có 18 sản phẩm đăng ký công bố trên thị trường. Từ năm 2020, nhận thấy cái lợi mà chuyển đổi số mang lại, chị Bàn Thị Liên, Giám đốc Công ty đã đưa các sản phẩm của công ty lên sàn thương mại điện tử. Chị đầu tư kinh phí xây dựng website, quảng bá các sản phẩm của mình trên facebook, tiến tới là Youtube, Tiktok. Tuy nhiên theo chị Liên, do thiếu nhân sự để duy trì hoạt động của trang website và các nền tảng mạng xã hội nên một thời gian sau đó, trang website và các tài khoản mạng xã hội của công ty hoạt động không đều đặn. Hiện nay, Công ty đang thuê nhân sự có chuyên ngành công nghệ tại Hà Nội để hỗ trợ công ty xây dựng phương án hoạt động của trang website cũng như các tài khoản mạng xã hội để từ đây mở rộng, đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị các sản phẩm không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành.
Những năm gần đây, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình (Yên Sơn) đã nỗ lực đầu tư để đổi mới hoạt động quản lý nhân sự, bảo vệ và phát triển rừng, đất rừng trên nền tảng công nghệ số. Hiện nay, công ty đang ứng dụng hiệu quả các phần mềm kê khai thuế điện tử, quản lý kế toán, bảo hiểm xã hội, quản lý và điều hành văn bản, ứng dụng công nghệ Mapinfo Profession (phần mềm bản đồ quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng). Việc sử sụng hiệu quả các phần mềm này đã giúp lãnh đạo công ty điều hành, quản lý hiệu quả hơn trước, tiết kiệm được nhân công lao động và chi phí. Các văn bản, thông báo được gửi đến từng người lao động ở các tổ, đội trồng, bảo vệ rừng vùng sâu, vùng xa thông qua thiết bị di động. Công tác quản lý rừng và đất rừng chính xác hơn. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Thị Diệu Nga, cán bộ phụ trách Phòng Tổ chức - Hành chính của công ty, chuyển đổi số của công ty cũng gặp không ít khó khăn về nhân sự do người lao động am hiểu thực địa, địa bàn thì đã có tuổi, không qua đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin. Còn cán bộ, người lao động trẻ, có trình độ chuyên môn về công nghệ lại chưa nắm bắt và am hiểu thực địa, địa bàn. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của công ty có độ tuổi dưới 40 chiếm 58% tổng số cán bộ, công nhân viên. Công ty cũng đang chú trọng đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ thông tin đối với đội ngũ trẻ này để từng bước xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Cũng phải mất nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, học hỏi và tìm ra mô hình chuyển đổi số phù hợp, đến nay chị Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ (TP Tuyên Quang) mới có được những kết quả bước đầu trong hoạt động kinh doanh nhờ chuyển đổi số. Chị Nga chia sẻ: “Để tìm được hướng đi phù hợp với mô hình kinh doanh của chính mình, tôi cũng mất khá nhiều thời gian, kinh phí để trang bị kiến thức, bài học kinh nghiệm quý báu cho mình. Bởi chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ hoạt động mô hình sản xuất kinh doanh và gặp nhiều gian nan”.
Là Giám đốc công ty chuyên cung cấp, tư vấn về các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chị Trần Thị Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DES GROUP cho biết, trong quá trình cung cấp, tư vấn về giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, chị gặp không ít khó khăn. Bên cạnh những khó khăn về kinh phí, nhân lực mà doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi số thì còn có nguyên nhân chủ quan khác khiến cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp gặp trở ngại đó là một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, vẫn còn chờ cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tính chủ động chưa cao. Có nơi, chủ doanh nghiệp còn phó mặc cho một nhân sự phụ trách của doanh nghiệp, thiếu sự sâu sát trong công tác chỉ đạo. Tư duy, nhận thức và sự vào cuộc của người đứng đầu là yếu tố có ý nghĩa quyết định chuyển đổi số của doanh nghiệp - Chị Huệ khẳng định.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một quá trình tác động đến toàn bộ quy trình sản xuất kinh doanh. Trên chặng đường ấy, mỗi doanh nghiệp phải “trở mình” mạnh mẽ với sự quyết liệt của người đứng đầu cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, có như vậy doanh nghiệp mới vững tin vượt qua khó khăn trên hành trình chuyển đổi số.
Bài, ảnh: Thủy Châu (báo Tuyên Quang điện tử)