Chi tiết tin

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH LÀO CAI NĂM 2023: NỀN TẢNG - DỮ LIỆU - KẾT NỐI

Năm 2022 khép lại với nhiều dấu ấn trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai. Thành công lớn nhất là sự ra đời Nghị quyết số 20 ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để Lào Cai có một chiến lược tổng thể và định hình chuyển đổi số trong từng giai đoạn. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt mức khá về xếp hạng chuyển đổi số.

anh tin bai

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh giao kế hoạch bằng hình thức nhấn nút trên màn hình điện tử.

Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định: “Phát triển hạ tầng số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá của tỉnh trong thời gian tới”. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Lào Cai xác định chuyển đổi số dựa trên 3 nền tảng trụ cột là “Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số” gắn với phát triển đô thị thông minh, đảm bảo tổng thể, đồng bộ và kêu gọi sự ủng hộ, đồng hành của doanh nghiệp, người dân. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh về chuyển đổi số là “Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, động lực để chuyển đổi số; chuyển đổi số để giải quyết những vấn đề, những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp”.

anh tin bai

Lào Cai xác định “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề xã hội vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số là thời cơ, vận hội, ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành và vì cộng đồng, xã hội. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt tổ chức thành công chuyển đổi số.

Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, có tính đột phá, sáng tạo, chính quyền số tỉnh Lào Cai đã để lại dấu ấn khi nền hành chính của tỉnh ngày càng được hiện đại hóa. Minh chứng rõ nét là hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động hiệu quả, ổn định. Toàn tỉnh có 1.542/1.562 thôn, bản, tổ dân phố (tương đương 98,7%) được phủ sóng tại khu vực trung tâm và các khu vực tập trong đông dân cư.

Đối với xây dựng chính quyền số, tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Hiện có 1.761/1.966 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh và một phần trên cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 89,5%. Tích hợp 1.361/1.761 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 75,5%), đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến/tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 61,7%. Hệ thống quản lý thông tin được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông các cấp. Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai, đặc biệt là việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính, xử lý các văn bản đi và đến được thực hiện trên hệ thống Ioffice đạt trên 80%.

Kinh tế số từng bước được ứng dụng trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet được triển khai. Hiện 100% sản phẩm OCOP đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (laocaitrade.vn) và trang thông tin xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai (xttmnongnghiep.laocai.gov.vn). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

Năm vừa qua cũng đánh dấu sự phát triển của xã hội số. Khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, chuyển đổi số đã len lỏi vào cuộc sống người dân khi nở rộ các hình thức đặt hàng, kinh doanh online, thanh toán không dùng tiền mặt... Với phương châm “người dân ở đâu thông tin tới đó”, Lào Cai chú trọng đầu tư phát triển các kênh thông tin chính thức trên nền tảng số, tạo ra nhiều tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận và lan tỏa thông tin. Mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; học sinh, sinh viên có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Tỷ lệ hộ có điện thoại di động đạt 98%. Toàn tỉnh đã triển khai 1.562 tổ công nghệ số cộng đồng trên 1.562 thôn tổ dân phố, với sự tham gia của gần 7.000 thành viên.

anh tin bai

Ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý học sinh đến lớp.

Lào Cai đang từng bước đi trên hành trình chuyển đổi số, xác định rõ những khó khăn, thách thức đặt ra để đề ra mục tiêu, định hướng phù hợp, thiết thực trong thời gian tới. Năm 2023, tỉnh Lào Cai lựa chọn chủ đề chuyển đổi số là “Nền tảng - dữ liệu - kết nối” với 12 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân. Trước hết, giúp người dân biết đăng ký và sử dụng định danh điện tử; biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến; biết mua, bán các sản phẩm, dịch vụ qua mạng; biết thanh toán không dùng tiền mặt; biết sử dụng các dịch vụ số thiết yếu phục vụ cuộc sống: Y tế, giáo dục, liên lạc, đi lại, du lịch, đọc sách, giải trí…; biết áp dụng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ mình và bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà - MOOCs (Nền tảng OneTouch).

Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Triển khai hiệu quả Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tại địa chỉ http://htdn.laocai.gov.vn.

Xây dựng Cổng dịch vụ công Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, nhằm công khai, minh bạch thông tin, tăng cường tương tác trực tuyến giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý cửa khẩu, tiết kiệm chi phí, thời gian luân chuyển giấy tờ, góp phần nâng cao năng lực thông quan của cửa khẩu.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng viễn thông, đặc biệt là đối với 20 thôn “trắng” sóng 2G; 52 thôn “trắng” sóng 3G, 4G; 323 thôn chưa có internet cố định, đẩy nhanh tiến độ phủ sóng 5G đối với các trung tâm kinh tế của tỉnh.

Triển khai thuê trung tâm dữ liệu tỉnh dựa trên công nghệ điện toán đám mây; triển khai các dịch vụ trên hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng trên toàn tỉnh; từng bước chuyển dữ liệu của các cơ quan, đơn vị về trung tâm dữ liệu của tỉnh và trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp; kết nối dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước thông qua mạng số liệu chuyên dùng.

Nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ như số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước.

anh tin bai

Nâng cấp các phần mềm dùng chung theo hướng phát triển thành nền tảng quản trị công việc tổng thể, đăng nhập 1 lần, cá thể hóa người dùng, liên thông, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp không giấy tờ, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ dữ liệu và các chức năng khác hỗ trợ công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ tham mưu, ra quyết định, giảm thiểu tác nghiệp thủ công, thời gian giải quyết công việc và giấy tờ, báo cáo.

Đẩy nhanh tiến độ cấp định danh điện tử cho công dân và tổ chức. Chủ động điều chỉnh các hệ thống thông tin, phần mềm có sử dụng danh tính điện tử thay thế các giấy tờ khác.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, đặc biệt là sử dụng các nền tảng quản trị và kinh doanh. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các sản phẩm du lịch, OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh.

Chuyển đổi số đồng bộ để Bộ Y tế chứng nhận hoàn thành bệnh án điện tử đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và Bệnh viện Mường Khương; chuyển đổi số theo lộ trình đối với các cơ sở y tế khác. Hoàn thành việc xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, cơ sở dữ liệu của toàn ngành giáo dục được quản lý tập trung, thống nhất…

Với các giải pháp đề ra, tỉnh Lào Cai sẽ đẩy nhanh lộ trình hướng đến chính quyền số minh bạch, nền kinh tế số năng động, bứt phá và một xã hội số phát triển, qua đó tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.

(Theo Baolaocai.vn)