Chi tiết tin

Tuyên Quang: Đẩy mạnh chuyển đổi số

Để từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong khu vực, một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh xác định là đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển chính phủ điện tử. Tỉnh phấn đấu xếp hạng trong top 35 của cả nước về chuyển đổi số.

Để hiện thực hóa chủ trương này, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch chuyển đổi IPv6 trong các cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch về Truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022.

 Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tuyên Quang là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong việc huy động vốn, cho vay và đầu tư trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Thông qua việc thực hiện một loạt các kế hoạch, nên thực tế đã có được một số kết quả rất đáng phấn khởi. Về phát triển hạ tầng số: Hiện nay, 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang; 1.693/1.733 thôn, bản, tổ dân phố đã có hạ tầng Internet cáp quang, đạt 81,2%; phủ sóng thông tin di động đến 1.675/1.733 thôn, đạt gần 97%; lắp đặt 65 trạm phát sóng; các doanh nghiệp viễn thông đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trên hạ tầng băng rộng cố định và di động băng rộng, trong đó có dịch vụ 4G, 5G. Nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh (LGSP tỉnh Tuyên Quang) đã được xây dựng và từng bước đưa vào hoạt động. Đang triển khai ứng dụng IPv6 trên hạ tầng, mạng lưới dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Đã trình xin chủ trương triển khai trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC); đồng thời xây dựng Kho cơ sở dữ liệu lớn (Big data) và xây dựng Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh...

Riêng trong năm 2022, tỉnh đã và đang triển khai 38 nền tảng số. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh tới cấp xã, trong đó đã triển khai các hệ thống dùng chung như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Tuyên Quang, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, đã đầu tư 167 điểm cầu, kết nối các điểm cầu từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh; thành lập 1.845 Tổ Công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.707), với tổng số thành viên là 10.217 (cấp xã: 1.351, cấp thôn: 8.866), tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%.

 Phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có đặc sản Cam sành Tuyên Quang

Hiện nay, 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đều đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp tỉnh tới cấp xã, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn cho hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 99%; đã thực hiện cung cấp 1.880 dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 1.080 dịch vụ công mức độ 4. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan Nhà nước cung cấp; triển khai mô hình chợ 4.0 và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt...

Chính nhờ thực hiện tốt quan điểm, chủ trương về đẩy mạnh chuyển đổi số, nên nhiều lĩnh vực của tỉnh Tuyên Quang đã có bước phát triển rõ rệt, trong đó nổi bật nhất là việc ứng chuyển đổi số trong trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, quản lý 63 đề tài, dự án khoa học và công nghệ, trong đó 47 đề tài, dự án cấp tỉnh, 14 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, 02 đề tài khoa học cấp quốc gia. Toàn tỉnh có 46 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nộp về Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có 28 hàng hóa, dịch vụ đã được cấp văn bằng bảo hộ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; tỉnh có 03 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý (Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, Bưởi Soi Hà - Yên Sơn).

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tập trung ứng dụng chuyển đổi nhằm thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp triển khai thực hiện Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa” và Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Na Hang” cho sản phẩm rượu ngô men lá huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang”, nhằm nâng số lượng sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý lên 05 sản phẩm vào năm 2025...

 Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Trong năm 2023 và những năm năm tiếp theo, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết, Kế hoạch về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để làm được điều đó, tỉnh sẽ quan tâm xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển đô thị, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Ưu tiên đầu tư hạ tầng, nền tảng số, thuê dịch vụ công nghệ phục vụ xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu; ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...

Agribank E-Mobile Banking: Ứng dụng ngân hàng điện tử.

Trong hàng loạt các giải pháp về đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển chính phủ điện tử, tỉnh Tuyên Quang sẽ ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh; xây dựng Trung tâm điều hành Đô thị thông minh IOC; tập trung phát triển hạ tầng số; xây dựng cổng dữ liệu dùng chung, nền tảng và kho cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh; nền tảng và kho cơ sở dữ liệu các ngành; phát triển thương mại điện tử;… đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế và các tiêu chí đánh giá được phê duyệt tại Đề án "Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia". Tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin; phổ cập kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực truyến. Triển khai xây dựng và cung cấp dịch vụ 5G tại thành phố Tuyên Quang, khu vực trung tâm các huyện và các khu, điểm du lịch, khu, cụm công nghiệp, các khu tập trung đông dân cư, các khu dịch vụ...

Riêng trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang quyết tâm nâng thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số; phấn đấu xếp hạng trong top 35 của cả nước./.

Theo tuyenquang.gov.vn